Trí khôn của ta đây p2

Ngày xửa, ngày xưa loài người và loài vật còn hiểu biết tiếng nhau, chung sống trong một khu rừng có đồi cỏ tranh cao ngất, cây cối tốt tươi.

Một hôm, Người rủ Cọp, Gấu, Nai và Hoẵng cùng đi kiếm ăn, nhưng khi kiếm được mồi thì ai cũng muốn nhận được phần to.

Gấu tranh ăn với Cọp, lăn vào đánh Cọp. Người thấy vậy mới đứng lên hòa giải và bảo rằng:

– Chúng ta ai cũng muốn ăn phần to hơn người khác, như vậy thì không công bằng. Bây giờ tôi có cách là chúng ta thi tài với nhau, ai làm cho chúng ta sợ hãi thì người ấy thắng cuộc và được ăn phần to hơn.

Cọp, Gấu, Nai, Hoẵng đồng ý thi tài.

Sáng hôm sau, Người cùng Cọp, Gấu, Nai và Hoẵng rủ nhau lên một ngọn đồi tranh. Hoẵng nhanh nhảu trổ tài trước.

Hoẵng co cẳng chạy một mạch từ ngọn đồi xuống chân đồi, vừa chạy vừa gân cổ gào to “oác, oác”, rồi chạy ngược lên ngọn đồi hỏi Cọp và Gấu:

– Các anh có sợ không?

Gấu lừ mắt trả lời:

– Ai thèm sợ cái giọng oang oác còn hơi sữa của anh!

Hoẵng thẹn quá đứng đực ra như cây gỗ chết khô, mặt đỏ gay.

Đến lượt Nai. Chàng ta phóng một mạch xuống chân đồi, miệng rống lên mấy tiếng khàn khàn “bép bép”.

Gấu, Cọp nghe Nai giác, cười rũ rượi. Khi Nai lên đến đỉnh đồi thấy Cọp và Gấu cười mình thì mắc cỡ quá chạy núp sau bụi lau.

Gấu tranh thi trước Cọp. Chú ta chậm chạp bò từ đỉnh đồi xuống dốc, chốc chốc lại đứng dừng dưới gốc cây để vuốt vuốt đám bờm rậm phủ xuống mắt. Chú ta vừa thở vừa khịt mũi.

Lướt lên, Gấu mệt quá, vừa bò vừa thở. Tới đỉnh dốc, gấu ta giậm chân học lên hai tiếng “khục khục”.

Tiếng Gấu vang lên, vọng vào núi đá thành tiếng ồm ồm ghê rợn. Nai và Hoẵng nghe tiếng hộc co cẳng định chạy trốn. Còn Cọp cũng rợn tóc gáy.

Người công nhận tiếng gấu hộc làm cho các giống vật sợ một ít. Đến lượt cọp, anh chàng theo thói quen vươn vai lấy thế rồi cong đuôi nhảy vọt xuống chân đồi, miệng gầm lên một tiếng vang động cả núi rừng, chim chóc im hơi lặng tiếng. Hoẵng hoảng hốt đâm đầu rúc vào bụi, Nai sợ run cầm cập.

Gấu thì lắc lư hai vai, miệng rên hừ hừ, răng nghiến ken két tỏ ý chưa phục hẳn.

Lên đến ngọn đồi tranh, Cọp rất tự đắc cho là mình nhất định thắng cuộc, ve vẩy khúc đuôi và giục người thi tài.

Người giao hẹn: “Khi tới chân núi, tôi lên tiếng, nếu các anh sợ thì kêu to lên để tôi biết chừng, còn các anh không sợ thì cũng bảo cho tôi biết”.

Nói xong người xuống chân đồi, nhặt gấu lau khô xếp quanh đồi rồi lấy đá đánh lửa châm vào đốt gốc lau.

Ở trên đồi, Gấu và Gọp nghe tiếng người đập đá chan chát thi nhau cười chế giễu. Nai, Hoẵng cũng cười theo, cho là người không làm nên trò trống gì. Cọp nóng ăn gọi to: “Người ơi! Chúng ta không sợ cái tiếng chan chát yếu ớt ấy đâu, mau lên chia phần cho ta để ta còn về hang”.

Mặc cho Cọp gào thét, người ra sức châm lửa đốt các bụi lau. Lửa gặp gió bốc cháy ngùn ngụt, lan lên đến ngọn đồi. Đang mải cười, không chú ý đến, cho nên khi lửa đến gần, Cọp, Gấu, Nai và Hoẵng mới biết. Chúng hoảng sợ cong đuôi chạy.

Hoẵng nhanh chân chạy thoát nên đến nay bộ da vẫn còn giữ nguyên màu vàng óng duyên dáng ngày xưa.

Nai cũng may mắn chạy thoát, nhưng bộ mã đẹp bị ám khói đen mất một ít.

Cọp chạy sau nên da Cọp bị cháy loang lổ.

Gấu chậm chạp nhất nên bị lửa thui cháy mất bộ mã, mình đen như than.

Đến nay, mọi vật đều sợ lửa và sợ mưu trí của Người.

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Bút chì

Xung đột

Người anh

Nhà nông học

Ngân lang